|
Post by Robot on Sept 28, 2004 16:16:04 GMT -5
SOS, dòng Mekong tiếp tục lâm nguy!
Hạn hán, xây dựng đập nước và đánh bắt cá quá mức đang bóp nghẹt sông Mekong - một trong những mạch máu cung cấp nguồn sống cho hàng triệu người dân ở các nước trong lưu vực sông này.
Là một người sở hữu thuyền, Odd Boontha là một trong hàng triệu người đang kiếm sống trên sông Mekong. Người đàn ông 38 tuổi với nước da cháy nắng này ở cảng Chiang Khong, miền Bắc Thái Lan, có cách của riêng ông để đo sức khoẻ của dòng Mekong: Cách đây vài năm, hành khách sử dụng các bậc thang bê tông để lên thuyền mắc cạn của ông. Hiện họ phải bước đi trên nhiều khối đá dưới lòng sông mới tới được thuyền. Theo Odd, mực nước hiện ở mức thấp kỷ lục trong vòng 20 năm qua và các đập nước của Trung Quốc tại thượng nguồn con sông là thủ phạm. Ông than thở: ''Nếu họ xây dựng nhiều đập nước hơn, Mekong sẽ giống như một... con kênh mà thôi''.
Trôi dần tới... khủng hoảng?
Một nhà sư Thái Lan rửa bát tại một vũng nước trước đây là cả một nhánh sông. Hạn hán kéo dài! Các nhà khoa học thuộc Văn phòng Uỷ ban Sông Mekong (MRC) ở Vientiane (Lào) đưa ra một lời giải thích ôn hoà hơn: Mực nước của sông Mekong thấp chỉ bởi mưa không nhiều kể từ năm ngoái. Tuy nhiên, lập luận này không an ủi hoặc thuyết phục được các cộng đồng sống hai bên bờ sông tại sáu nước.
Những cộng đồng này phụ thuộc vào sông Mekong để lấy nước canh tác, lương thực và vận tải. Sự khô cạn của sông Mekong đã khiến các cơ quan quốc tế, các chuyên gia môi trường trong khu vực cũng như một vài quan chức chính phủ có cái nhìn mới về thực trạng của tuyến đường thuỷ nối Trung Quốc với Đông Nam Á. Bức tranh nổi lên là con sông bị khai thác bừa bãi cũng như bị con người lãng quên và đang tiến dần tới một cuộc khủng hoảng. Đó là nhận xét của David Jezeph, chuyên gia về nước thuộc Uỷ ban Kinh tế và Xã hội châu Á của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ông nói: ''Hạn hán làm chúng ta thấy cần bắt đầu kế hoạch hợp tác vì lợi ích của cả khu vực''.
Trẻ em băng qua những "đụn cát" giữa lòng sông nay trơ ra do nước sông Mekong bị khô cạn dần. Ảnh chụp tại Nakhon Phanom, Đông Bắc Thái Lan. Trong nhiều thập kỷ, chiến tranh và sự cô lập đã bảo vệ Mekong - con sông có chiều dài 4.800km từ vùng cao thuộc Tây Nam Trung Quốc, đổ xuống những ngọn núi đầy sương ở tỉnh Vân Nam và uốn lượn qua các vùng đồng bằng ngập lũ ở Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra biển Đông. Dọc đường đi của nó có ít khu công nghiệp và không có thành phố lớn. Chất lượng nước nói chung là tốt mặc dù có sự xuất hiện của bùn. Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi nhanh khi các quốc gia lựa chọn nền kinh tế thị trường và các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội làm ăn ở những nơi trước kia không thể tiếp cận được. Trong lúc đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang thúc đẩy một chương trình cơ sở hạ tầng đầy tham vọng nhằm liên kết năm quốc và và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) bằng đường bộ, đường sắt và mạng lưới điện.
Những dự án phát triển trên hứa hẹn cải thiện đời sống của khoảng 70 triệu người sống ở lưu vực sông Mekong. Phần lớn họ là nông dân trồng lúa, đánh bắt cá, chăn nuôi, khai thác thực vật từ các khu rừng lân cận cũng như đất ngập nước. Tuy nhiên, hệ sinh thái của con sông mà họ phụ thuộc có thể bị huỷ hoại vĩnh viễn trong tiến trình phát triển này. Joern Kristensen, cựu chủ tịch MRC - cơ quan liên chính phủ được thành lập vào năm 1995 bởi Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, có chức năng quản lý lưu vực Mekong - nói: ''Mối nguy hiểm là cuộc sống của những người dễ bị ảnh hưởng sẽ tồi tệ hơn''.
|
|
|
Post by Robot on Sept 28, 2004 16:16:58 GMT -5
Thủ phạm: Các đập nước Trung Quốc?
Cá catfish khổng lồ ở Mekong đã bị liệt vào danh sách các loài bị đe doạ nghiêm trọng.
Mối lo ngại trước mắt là nguồn cá. Theo Milton Osborne, chuyên gia sông Mekong, cá là nguồn protein động vật chủ yếu của người dân tại lưu vực Mekong. Chẳng hạn, chỉ có người dân Nhật Bản và Iceland mới ăn nhiều cá hơn so với người Campuchia. Theo thống kê, lượng cá đánh bắt tăng trong nhiều năm. MRC ước tính lượng cá tự nhiên đánh bắt được sẽ đạt 2,5 triệu tấn vào năm ngoái và thêm 500.000 tấn nữa được khai thác từ hồ chứa và ao. Tuy nhiên, với việc có thêm hàng triệu người đang đánh bắt cá so với cách đây vài chục năm, ''lượng cá đánh bắt trên đầu ngư dân đã giảm nhiều'' - theo nhận định của Eric Baran, chuyên gia cá tại Trung tâm Cá Thế giới.
Với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp lan tràn cùng với việc sử dụng ngày càng nhiều thiết bị đánh bắt hiện đại đã bị cấm, sông Mekong đang bộc lộ dấu hiệu bị khai thác cá quá mức. Các loài cá lớn mà ngư dân dễ dàng bắt được đã bắt đầu biến mất, để lại ngày càng nhiều cá có ít giá trị. Cá catfish khổng lồ ở Mekong - loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới với chiều dài 3m và nặng tới 300kg - đã được liệt vào danh sách các loài bị đe doạ nghiêm trọng trong năm ngoái. Khi dân số ở lưu vực Mekong tăng vọt trong 20 năm tới, sự xâm lấn của con người chắc chắn sẽ huỷ diệt các khu rừng, xoá sổ các vùng đất ngập nước cũng như hút cạn nước phục vụ công nghiệp và nông nghiệp. Kristensen khuyến cáo: ''Nếu không kiểm soát sự phát triển, áp lực có thể làm nguồn cá cạn kiệt''.
Mối đe doạ dễ thấy nhất là các đập nước đã và đang được xây dựng ở các hẽm núi dốc đứng tại tỉnh Vân Nam nhằm sản xuất điện cho Trung Quốc. Hai đập thuỷ điện đang hoạt động, hai đập nữa đang được xây dựng và bốn đập khác đang được hoạch định. Đập Xiaowan, đang được xây dựng, sẽ có quy mô lớn và hồ chứa của nó trải dài 169km khi được tích nước vào năm 2013. Theo các nhóm môi trường và chuyên gia, do các đập nước trên, mực nước ở sông Mekong đang tăng và giảm tới 1m/giờ, xáo trộn môi trường sống của cá, sói mòn bờ sông, cuốn trôi trầm tích và dinh dưỡng khi nó chảy về phía Nam.
Ian Campbell, viên chức môi trường cấp cao tại MRC nói: ''Các đập nước của Trung Quốc là thủ phạm gây ra hầu hết mọi thứ. Tuy nhiên, không có nghiên cứu khoa học, mức độ tác động vẫn hoàn toàn có tính chất suy đoán". Đập Dachaoshan ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), một trong các đập chính đã gây ảnh hưởng tới dòng Mekong.
Người dân ở miền Bắc Thái Lan rất bất bình trước việc Trung Quốc xây dựng các đập nước. Họ đang đấu tranh nhằm ngăn kế hoạch xây dựng tuyến đường thuỷ trên sông Mekong do Trung Quốc đứng đầu. Trong sáu tháng đầu năm 2004, Trung Quốc thường đóng các cửa xả của hai đập đang hoạt động trên sông Mekong để xây đê. Theo Mạng lưới các sông Đông Nam Á, nhóm phản đối sự đe doạ đối với hệ sinh thái sông, hậu quả là mực nước Mekong giảm xuống chỉ còn 45cm tại Chiang Khong - mức thấp nhất trong nhiều năm. Chỉ riêng trong tháng 3, các hãng lữ hành của Lào buộc phải hoãn mười chuyến du thuyền trên sông. Chainarong Sretthachau, giám đốc Mạng lưới, cho biết điều này khẳng định rằng ''Trung Quốc đã có sức mạnh kiểm soát Mekong''.
|
|
|
Post by Robot on Sept 28, 2004 16:17:29 GMT -5
Vẫn chưa quá muộn...
Tuy nhiên, Trung Quốc khăng khăng các đập nước sẽ có lợi cho người dân sống dọc vùng hạ lưu của Mekong. Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao nước này cho biết Trung Quốc quan tâm lớn tới việc bảo vệ môi trường của lưu vực Mekong. Chỉ có 18% tổng lượng nước của con sông này bắt nguồn từ Trung Quốc nên các đập thuỷ điện sẽ không làm giảm lượng nước đổ ra biển hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới các quốc gia vùng hạ lưu. Bộ này nói rằng trên thực tế, các con đập sẽ giúp ngăn chặn lũ lụt cũng như cải thiện canh tác và vận tải tại các quốc gia có sông Mekong chảy qua. Gu Hao, người phát ngôn của Bộ Tài nguyên Nước của Trung Quốc cho biết không có nguyên tắc quốc tế nào yêu cầu một quốc gia xin ý kiến của nước láng giềng về mọi đập nước mà họ xây dựng. Tuy nhiên, ông nhất trí rằng ''thông tin'' là cần thiết khi một dự án ''có thể tác động lớn'' tới các nước láng giềng.
Lào đã xây dựng hai đập nước trên một phụ lưu của Mekong với ý định bán điện cho Thái Lan. Osborne, chuyên gia sông Mekong nói rằng đập thứ hai đã làm lượng cá đánh bắt ở xuôi dòng giảm mạnh và gây hại cho hệ sinh thái mong manh. Mặc dù vậy, Lào đang xây dựng bốn dự án thuỷ điện và khoảng 12 dự án khác đang được đánh giá về tác động môi trường.
Các quan chức MRC nói rằng vẫn chưa quá muộn để lựa chọn giữa một lưu vực Mekong nguyên sơ và một con sông ô nhiễm do các đập nước gây ra. Tuy nhiên, do phần lớn các chính phủ ít quan tâm tới thoả hiệp hoặc hợp tác, các cơ hội lựa chọn trên, giống như chính con sông, dường như đang nhanh chóng thu nhỏ lại.
Minh Sơn (Theo Tạp chí Kinh tế Viễn Đông)
|
|
|
Post by Robot on Sept 28, 2004 16:18:17 GMT -5
Tất cả nước của sông Mekong đã đi đâu? 23:00' 24/03/2004 (GMT+7) Hôm nay 24/3, Mạng lưới sông Đông Nam Á - một nhóm môi trường - cho biết các con đập do Trung Quốc xây dựng và một đợt hạn hán đã đẩy nước ở sông Mekong xuống mức thấp kỷ lục, đe doạ đời sống của hàng triệu cư dân ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan.
Các thuyền đánh cá của Campuchia trên sông Mekong. Chainarong Setthachua, giám đốc Mạng lưới sông Đông Nam Á, cho biết: ''Mức nước sông Mekong không chỉ ở mức thấp nhất trong lịch sử mà còn đang dao động, lúc lên, lúc xuống. Sự lên xuống của các dòng nước hiện xảy ra trong vòng một ngày trong khi trước kia, chu kỳ này phải mất ba - bốn ngày. Nguyên nhân này bắt nguồn từ các đập nước ở Trung Quốc''.
Số liệu của Uỷ ban Sông Mekong (MRC) - cơ quan liên quốc gia của Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam được thành lập để giám sát tình trạng của 4.800km đường sông - khẳng định ở một số đoạn, mực nước gần sát đáy sông. Các điều kiện hạn hán thường xuất hiện vào tháng 3, tháng 4 song năm nay lại bắt đầu từ tháng 1.
Đa số các trạm quan trắc của MRC trên sông Mekong cho thấy mực nước hiện ở dưới mức kỷ lục năm 1993. Pech Sokhem, giám đốc của MRRC tại Phnom Penh, Campuchia, cho biết: ''Chúng tôi rất lo ngại. Mực nước này rất có hại đối với nông nghiệp và nghề cá. Nếu nước không chảy đúng, cá sẽ không sinh sản hoặc không di cư''. Ông cho rằng lượng mưa ít trong năm 2003 phần nào gây ra hiện tượng này song trách nhiệm cũng thuộc về Trung Quốc, nước đang xây dựng các đập thuỷ điện ở thượng nguồn. Mực nước cạn năm 1993 trùng hợp với việc Trung Quốc hoàn tất và tích đầy nước cho đập thuỷ điện lớn đầu tiên tại Manwan ở tỉnh Vân Nam.
Kể từ đó tới nay, Trung Quốc đã hoàn tất một đập thủy điện khác. Theo báo cáo 2003 của MRC, nước này dự định xây dựng thêm sáu đập thuỷ điện nữa và hai đập khác đang được thi công. Tất cả những công trình này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới 60 triệu người đang sống ở lưu vực sông Mekong - khu vực có diện tích bằng Pháp và Đức cộng lại. Tác động chắc chắn sẽ là nặng nề nhất tới Campuchia nơi các đợt lũ hàng năm của con sông này tạo ra sản lượng cá nước ngọt lớn thứ tư trên thế giới và nơi có gần 1,5 triệu người liên quan tới nghề cá.
Yang Yara, một người lái thuyền 44 tuổi gần Phnom Penh, cho biết con sông này ngày càng nông hơn. Ông nói: ''Nó làm cuộc sống của tôi khó khăn hơn bởi thuyền của tôi luôn bị vướng vào các bãi cát nổi và bờ sông đầy bùn''. Đập thuỷ điện cũng dóng lên hồi chuông báo tử đối với nhiều loài động vật, chẳng hạn loài cá trê lớn có nguy cơ tuyệt chủng cao ở sông Mekong - loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới và là một trong gần 1.500 loài độc nhất trong hệ thống sông Đông Nam Á này. Ngoài ra, các bãi cát lớn, trước đây không tồn tại, đang xuất hiện dọc các triền sông, gây nguy hiểm cho tàu bè đi lại.
Trước tình hình này, MRC đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào hôm nay tại Việt Nam nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Câu hỏi đặt ra là: Tất cả nước của sông Mekong đã đi đâu?
Ông Surachai Sasisuwan, tổng giám đốc Cục Tài nguyên Nước Thái Lan cho biết: ''Chúng tôi muốn Trung Quốc thẳng thắn nói với chúng tôi về các dự án đập nước và cho chúng tôi biết các đập nước đó có phải là nguyên nhân làm nước biến mất hay không''. Sau cuộc họp, ông nói rằng MRC sẽ gửi một lá thư chính thức yêu cầu chính phủ Trung Quốc cung cấp thông tin về các đập nước.
Theo ông Surachai, thông tin từ phía Trung Quốc sẽ giúp các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong đối phó với tình trạng hạn hán. Mặc dù ông không tin MRC có khả năng gây sức ép với chính phủ Trung Quốc song ông nói: ''Ít ra thì lá thư đó cho thấy tinh thần hợp tác giữa các quốc gia ở vùng hạ lưu sông Mekong''.
Minh Sơn (tổng hợp)
|
|
|
Post by Robot on Sept 28, 2004 16:20:28 GMT -5
Đập nước và nguồn cá: Điểm nóng Mekong 15:51' 26/08/2004 (GMT+7) (VietNamNet) - Mekong, con sông thứ hai trên thế giới có nhiều loài cá nhất, đang đối mặt với nguy cơ sút giảm nghiêm trọng nguồn cá do việc xây dựng các đập nước trên thượng nguồn.
Với 1.245 loài cá, Mekong là con sông thứ hai trên thế giới có nhiều loài cá nhất, chỉ sau sông Amazone ở Nam Mỹ. Trong số này, có nhiều loài hiếm, như cá trê khổng lồ nặng 300kg và cá heo nước ngọt.
Cá có vai trò quan trọng đối với gần 60 triệu người sống ở lưu vực hạ lưu sông Mekong, với lượng cá tiêu thụ trung bình là 56,6kg/đầu người mỗi năm. Chỉ có khoảng 10% trong tổng lượng cá được tiêu thụ ở đây là cá nuôi.
Cá catfish khổng lồ đang dần biến mất trong hệ sinh thái sông Mekong... Hệ thống sông Mekong có hai loại cá phổ biến: cá trắng di cư theo mùa xuôi ngược dòng Mekong và các phụ lưu của nó; và cá đen sống trong trong hồ, ao và đầm. Cả hai loại cá này phân tán theo mùa trên diện tích 70.000km2 ở các đồng bằng ngập lũ giàu chất dinh dưỡng.
Cá ở hệ thống sông Mekong đã phát triển trong nhiều thiên niên kỷ để thích ứng với chế độ dòng chảy vốn thay đổi lớn từ mùa khô tới mùa mưa. Sự thay đổi hàng năm này bao gồm cả đồng bằng ngập lũ, dòng chảy đảo chiều độc nhất vô nhị của sông Tonle Sap (phụ lưu của Mekong) và vùng đệm thoát lũ của hồ Tonle Sap có ý nghĩa quan trọng: Giúp cân bằng cho sông Mekong ở xuôi dòng và đảm bảo nước ngọt chảy vào đồng bằng châu thổ Mekong (ĐBSCL) ở Việt Nam trong mùa khô, ngăn chặn sự xâm nhập của nước mặn vào các vùng đất nông nghiệp trù phú. Sự sinh sản của cá phụ thuộc vào chu kỳ thuỷ văn này. Điều đó đã được minh chứng bởi sự tương quan chặt chẽ giữa mức lũ tối đa hàng năm và lượng cá dai đánh bắt được ở sông Tonle Sap.
Lượng cá đang giảm mạnh...
Hiện nay chỉ riêng ở lưu vực hạ lưu Mekong đã có khoảng 20.000 con đập cũng như đăng cá. Các công trình này, cùng với nhiều đập nước đang tồn tại và đang được lên kế hoạch xây dựng trên dòng Mekong, đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển, thậm chí đến sự tồn vong của cá.
Mỗi đập - được xây dựng để sản xuất điện, thuỷ lợi, kiểm soát lũ hoặc cung cấp nước - trữ nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô, do vậy làm giảm lưu lượng dòng chảy của sông Mekong vào mùa mưa và tăng dòng chảy trong mùa khô. Những thay đổi trên về chế độ dòng chảy làm biến đổi chu kỳ tự nhiên của sông, làm rối loạn sự di cư và sinh sản của cá trong hệ thống sông Mekong và giảm lượng cá mà ngư dân đã đánh bắt được.
Mỗi năm, khoảng 1,8 triệu tấn cá được đánh bắt ở các quốc gia thuộc vùng hạ lưu sông. Chỉ riêng hồ Tonle Sap ở Campuchia đã đánh bắt 400.000 tấn. Sau khi các đập được xây dựng, ngư dân ở nhiều nơi dọc sông Mekong phàn nàn lượng cá đánh được đã giảm mạnh trong vài năm qua. Đợt hạn hán vào năm 2003 đã ảnh hưởng mạnh tới lượng cá đánh bắt ở Campuchia trong năm nay.
Sản lượng cá dai ở Campuchia hiện chỉ bằng 1/7 so với năm 2003. Cá cung cấp tới 70-80% protein trong bữa ăn của 13 triệu người dân Campuchia ở lưu vực hạ lưu sông Mekong. Hồ Tonle Sap phụ thuộc vào các trận lũ hàng năm để bổ sung chất dinh dưỡng. Nước trong hơn làm cá thiếu thức ăn. Vào tháng 2 năm nay, thời điểm kết thúc mùa đánh bắt cá dai ở Campuchia, sản lượng chỉ bằng 1/7 so với năm ngoái.
Hồ Tonle Sap và sông Tonle Sap cung cấp 60% sản lượng cá nội địa cho Campuchia. Các đập nước trên sông Mekong có thể ảnh hưởng trực tiếp tới các vùng đất ngập nước ở hạ lưu do làm thay đổi chế độ lũ. Tại hồ Tonle Sap, mức nước thường dao động 6-10m mỗi năm. Sự thay đổi nhỏ về mức lũ tác động lớn tới diện tích vùng ngập lũ - môi trường sinh sản quan trọng của cá và đồng thời là nguồn cung cấp đa phần chất dinh dưỡng cho loài này. Mức nước thấp vào mùa khô gia tăng 0,5m kết hợp với mức nước cao giảm 10m trong mùa mưa có thể làm giảm diện tích ngập lũ 150.000 ha, giảm khả năng sinh sản và lượng cá đánh bắt được.
|
|
|
Post by Robot on Sept 28, 2004 16:21:01 GMT -5
Tác động lớn từ hệ thống đập Lancang
Theo cuốn Bản đồ môi trường tiểu vùng sông Mekong lớn do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Môi trường thuộc Liên Hiệp Quốc (UNEP) và Trung tâm Tài nguyên khu vực châu Á-Thái Bình dương, trong số tám đập dự định xây dựng trên dòng Lancang (hay Lan Thương, tên của sông Mekong ở tỉnh Vân Nam, địa phận Trung Quốc) có hai đập đã được hoàn tất, đập thứ ba đang được xây dựng và hai đập khác nữa sẽ được khởi công trước năm 2010. Cả tám đập sẽ có khả năng chứa hơn 23 tỷ m3 khối nước, xấp xỉ 30% lượng nước hàng năm mà tỉnh Vân Nam đóng góp cho sông Mekong và gần 5% trong tổng số 475 tỷ m3 nước hàng năm mà sông Mekong đổ ra biển Đông. Các đập trên sông Lancang có thể tạo nên tác động lớn tới: chế độ thuỷ văn, hình thái lũ hàng năm, việc đánh bắt cá và vận tải đường thuỷ.
Đập Manwan trên sông Lancang (Trung Quốc) Ngoài việc sản xuất điện năng, Trung Quốc còn dự định xả nước từ các hồ chứa để tăng lưu lượng dòng chảy ở hạ lưu trong mùa khô, đủ để cho phép các con phà lớn di chuyển trên sông quanh năm. Mặc dù sự thay đổi về thuỷ văn vẫn chưa được mô phỏng chính xác song tác động của nó có thể thấy rõ ở vùng sông Mekong phía dưới các con đập này, thậm chí là hồ Tonle Sap và đồng bằng châu thổ Mekong ở Việt Nam.
Các đập trên sông Lancang cũng có thể gây ra sự thay đổi lớn về chất lượng nước ở hạ nguồn. Quan trọng nhất là sự lắng đọng trầm tích trong các hồ chứa sẽ làm cho nước được xả ra từ đập trở nên ít trầm tích và do đó trong hơn bình thường. Sự phân tầng trong hồ chứa cũng làm cho nước thỉnh thoảng thiếu oxy.
Khi xây dựng các đập nước trên sông Lancang, Trung Quốc khẳng định chúng sẽ có lợi cho các quốc gia ở hạ lưu bằng cách giảm nhẹ chu kỳ lũ lụt hàng năm cũng như tình trạng thiếu nước trong mùa khô. Lợi thì chưa thấy nhưng trước mắt các đập đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, ảnh hưởng hệ sinh thái nước. Đập nước sẽ ngăn cản các loài cá hiếm di cư, chẳng hạn cá trê khổng lồ nặng tới 300kg. Đập nước làm chậm dòng chảy, tăng nhiệt độ nước và chu kỳ tự nhiên của sông. Những thay đổi trên đây làm đảo lộn quá trình sinh sản, tăng trưởng và di cư của các loài thuỷ sinh. Nhiều loài sẽ biến mất do không thể thích ứng với những thay đổi môi trường.
Còn các đập ở Lào, Thái Lan?
Đập Pak Mun ở Thái Lan... Lào: 30% nước của sông Mekong bắt nguồn từ Lào. Quốc gia này đã xây dựng một số đập thuỷ điện như Nam Ngum và nhiều dự án khác. Đập Nam Ngum được xây dựng trên sông Ngum là đập thuỷ điện đầu tiên của Lào. Công trình này do mười nước tài trợ và được hoàn tất vào năm 1971. Đập Nam Ngum có khả năng sản xuất 150 megawatt điện năng. Nam Ngum sản xuất phần lớn điện năng cho Lào, bao gồm toàn bộ điện năng cho thủ đô Vientiane. Điều quan trọng hơn là 70-80% điện năng được xuất khẩu sang Thái Lan, mang lại 25% tổng nguồn thu ngoại tệ cho Lào.
Hiện Lào đang lập dự án xây dựng đập Nam Theun II với kinh phí 1,1 tỷ USD. Đây là đập lớn nhất và gây tranh cãi nhất ở Lào. Nhiều người cho rằng nó ảnh hưởng lớn tới đa dạng sinh học cũng như giảm lượng phù sa và nguồn cá đánh bắt được của hàng chục nghìn hộ dân dọc sông Xe Bang Fai. Đập nước sẽ làm giảm các trận lụt theo mùa - yếu tố có ý nghĩa quan trọng đối với sự sinh sản của cá và nhiều loài thuỷ sinh khác.
Thái Lan: Nhiều phụ lưu cấp nước cho sông Mekong ở Thái Lan đã bị ngăn đập để sản xuất điện và cung cấp nước tưới cho các tỉnh miền Đông khô cằn. Ngoài ra, Thái Lan còn dự định dẫn nước Mekong vào sông Chao Phyra.
Đập thủy điện Pak Mun trên sông Mun - nhánh lớn nhất của sông Mekong ở Thái Lan, được khởi công xây vào tháng 5/1991 và hoàn tất vào tháng 11/1994. Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ gần 10% tổng chi phí của dự án. Đập có công suất thiết kế 136 megawatt, đủ cung cấp điện cho năm cửa hàng bách hoá lớn. Tuy nhiên, do thiếu nước, công suất hiện chỉ bằng 50% mức thiết kế.
Khi xây dựng đập này, các nhà xây dựng hứa hẹn nó sẽ không có tác động lớn tới nguồn cá hoặc con người. Tuy vậy, năm năm sau khi khánh thành đập, lượng cá đánh bắt ở thượng nguồn giảm 20-50%. Nguyên nhân là do đập đã xáo trộn việc di cư của cá. Sau hơn mười năm từ khi khánh thành đập, hoàn cảnh khó khăn của người dân ở lưu vực sông Mun này vẫn kéo dài, thậm chí còn tồi tệ hơn. Các đoạn ghềnh, thác trên sông - nơi cá di cư sử dụng để đẻ trứng - đã bị phá huỷ để xây dựng đập. Một chiếc "thang cá" đã được lắp đặt để giúp cá di cư trong khu vực song dân làng vẫn chỉ trích vì giải pháp này không có hiệu quả. Cục Điện lực Thái Lan (EGAT) đã giải quyết vấn đề này bằng cách thả một số... tôm vào sông Mun song vẫn không phục hồi được nguồn thuỷ sản bị suy giảm. Số hộ bị di dời là 912. Ngoài ra, hơn 2.500 gia đình đang phàn nàn rằng nguồn thuỷ sản mà họ đánh bắt được vẫn giảm mạnh.
|
|
|
Post by Robot on Sept 28, 2004 16:21:15 GMT -5
... và sự phản đối của người dân sông Mun (Thái Lan) với tấm bảng ghi: "Mẹ ta, sông Mun (Mae Mun) bị xích xiềng vì bất công, nhưng chúng ta vẫn đứng vững trong cuộc đấu tranh giải phóng Mẹ". Sự phản đối của người dân sông Mun đã kéo dài hơn mười năm, qua nhiều cuộc biểu tình. Sau khi chính phủ và người dân đô thị Thái Lan chỉ trích rằng dân sông Mun biểu tình nhằm đòi tiền bồi thường, đến năm 1999, dân làng đã thay đổi yêu cầu: Đòi dỡ đập! Tháng 6/2001, các cửa xả lũ của đập tạm thời được mở theo lệnh của Chính phủ. Đây là một chiến thắng lớn đối với dân làng. Từ khi cửa đập được mở, nhiều cá đã quay trở lại. Tuy nhiên, vào tháng 10/2002, các cửa lại bị đóng và chỉ được mở bốn tháng mỗi năm. Dân sông Mun không đồng tình với quyết định này và tiếp tục phản đối... Minh Sơn (Tổng hợp) www.vietnamnet.vn/khoahoc/2004/08/230756www.vietnamnet.vn/khoahoc/vande/2004/03/56380www.vietnamnet.vn/khoahoc/vande/2004/08/231102
|
|
|
Post by Robot on Sept 28, 2004 16:22:10 GMT -5
Đập nước, đập nước, lại đập nước... Mekong nguy! 00:35' 28/08/2004 (GMT+7)
Sông Mekong không phải của riêng ai. Bởi vậy, khi gần đây mực nước ở hạ nguồn bị giảm quá mạnh, các nước thuộc Uỷ ban Sông Mekong (MRC) đã phải khẩn cấp xem xét: Điều gì đang xảy ra với dòng chảy của Mekong trên thượng nguồn?
Hồi tháng 5/2004, việc vận chuyển bằng đường thuỷ dọc sông Mekong - ở đoạn giữa Thái Lan và Trung Quốc - phải tạm ngừng do mực nước giảm quá mạnh. Sermchai Kittiratanapaiboon, chủ tịch Phòng Thương mại Chiang Rai (Thái Lan), cho biết: ''Mực nước bắt đầu giảm vào tháng 2 và hiện một số đoạn sông Mekong chỉ còn sâu 10-100cm. Chúng tôi cần ít nhất 1,5m nước để có thể di chuyển trên sông''.
Hệ thống các đập trên dòng Mekong. Một đợt hạn hán nghiêm trọng đã làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, song nguyên nhân chính là do Trung Quốc xây dựng một hệ thống các đập thuỷ điện ở thượng nguồn. Theo Uỷ ban Sông Mekong (MRC), nước sông Mekong đã tụt xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Mekong dài 4.500km, có dòng chảy thấp kỷ lục kể từ tháng 1/2004 và sự dao động mực nước chưa từng có. Ông Surachai Sasisuwan, giám đốc Bộ phận Tài nguyên Nước của MRC cho biết: ''Hai con đập Manwan và Dachaoshan của Trung Quốc được cho là nguyên nhân của tình hình trên''.
Theo một số chuyên gia môi trường MRC, mực nước bắt đầu giảm ở hạ nguồn sau khi đập Manwan của Trung Quốc được xây dựng và bắt đầu tích nước từ năm 1993. Đập Dachaoshan lớn hơn, được hoàn thành vào năm 2003, có thể là nguyên nhân làm mực nước tiếp tục giảm. Hiện Trung Quốc đang lập dự án xây dựng thêm bốn đập nữa nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện và thiếu nước (ba trong số này là Nuozhadu, Mengsong và Gongguoqiao).
Trước tình hình này, tại hội nghị khẩn cấp do MRC tổ chức, MRC đã chính thức gửi thư yêu cầu chính phủ Trung Quốc cung cấp thông tin về các đập nước. Ông Surachai Sasisuwan, bộ trưởng Bộ Tài nguyên Nước Thái Lan, cho biết: ''Chúng tôi sẽ đánh giá cao nếu Trung Quốc cho chúng tôi biết ý định thực sự của họ về các đập nước cũng như liệu chúng có phải là nguyên nhân làm mực nước giảm hay không''.
Sông Mekong dài 4.500km, là con sông dài thứ 12 trên thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, đổ ra biển Đông. Đã một thời, nhiều người coi Mekong là ''tài nguyên chưa được phát triển'' và có ít đập nhất trên thế giới. Trung Quốc cũng đang phá huỷ các đoạn ghềnh dọc sông Langcang (hay Lan Thương, tên của sông Mekong ở địa phận tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Trả lời phỏng vấn của tạp chí New Scientist trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Hans Guttman thuộc MRC nói: ''Kể từ khi các đập nước bắt đầu hoạt động, mực nước của con sông đã lên xuống nhanh hơn nhiều''. Mặc dù chỉ 1/5 dòng chảy hàng năm của Mekong bắt nguồn từ Trung Quốc song tỷ lệ này thường đạt tới 50-70% vào mùa khô.
Đập Manwan cao 132m, dài 418m. Các nhà nghiên cứu thừa nhận không chỉ có các đập nước của Trung Quốc làm thay đổi dòng của Mekong. Các quốc gia dưới hạ lưu bao gồm Lào và Thái Lan cũng khai thác một lượng lớn nước để tưới tiêu cho các cánh đồng lúa. Tuy nhiên, Guttman nói: ''Các đập nước của Trung Quốc quá lớn, chúng đang làm thay đổi mọi thứ''.
Mặc dù vậy, Trung Quốc không có ý định thay đổi chính sách và đang xây dựng hai đập mới là Xiaowan và Jinghong.
Nhà máy thuỷ điện Manwan nằm ở giữa sông Langcang, với con đập đầu tiên được xây dựng trên tuyến sông này. Công việc xây dựng bắt đầu vào năm 1986 và đập thuỷ điện đi vào hoạt động từ năm 1993 với sản lượng 1.500MW. Con đập cao 132m, dài 418m với sức chứa 1.550 triệu m3 nước.
|
|
|
Post by Robot on Sept 28, 2004 16:22:33 GMT -5
Dachaoshan là đập thứ hai được xây dựng trên sông Lancang, với kinh phí 600 triệu USD. Nó nằm phía dưới và cách đập Manwan 131km, cách Côn Minh 600km. Đập cao 111m, dài 460,4m với công suất thiết kế 1.350KW. Đập được khởi công vào tháng 8/1997 và tổ máy phát điện đầu tiên đi vào hoạt động trong năm 2001. Hồ chứa dài 88km. Công trình được hoàn tất năm 2003 và số người phải di dời là hơn 6.000.
Dập Manwan, nhìn từ một góc khác... Trong tháng 1/2003, Trung Quốc tiếp tục xây dựng đập Xiaowan với công suất 4.200KW với hồ chứa dài 169km, rộng 190km2 và dung tích 15 tỷ m3. Chi phí xây dựng khoảng bốn tỷ USD. Khi được hoàn tất vào năm 2013, đây sẽ là con đập cao nhất thế giới (292m), tương đương một toà nhà 100 tầng. Xiaowan là đập thuỷ điện lớn thứ hai ở Trung Quốc, chỉ đứng sau đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử. Đập Jinghong, công suất 1.500MW, cũng đang được xây dựng. Tất cả những con đập này được xây dựng để cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam.
Thế nhưng Trung Quốc đang xây dựng các đập ngăn nước sông Mekong trong bí mật. Không một đánh giá độc lập nào về tác động của chúng tới môi trường được công bố. Ngay cả các chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng phàn nàn rằng họ không thể tiếp cận với dữ liệu về các đập thủy điện này.
Trung Quốc cho rằng các đập nước sẽ giải quyết được tình trạng lũ lụt vào mùa mưa cũng như hạn hán vào mùa khô. Tuy nhiên, điều đó có lẽ chỉ có lợi cho một mình nước này mà thôi.
Trong mùa khô, mực nước sông Mekong đặc biệt thấp bởi các sông băng ở Tây Tạng và Vân Nam là nguồn nước duy nhất. Tỷ lệ dòng chảy trung bình giảm từ 50.000m3/giây trong mùa mưa xuống còn 2.000m3/giây trong những tháng mùa khô. Mùa khô thường kéo dài từ tháng 11 cho tới tháng 5. Nếu các đập ở thượng nguồn không xả nước do hạn hán hoặc nhu cầu nước của các hồ chứa, hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra ở hạ lưu. Tất cả các quốc gia ở hạ nguồn sẽ bị ảnh hưởng do nước mặn xâm nhập, nông dân phải bỏ các cánh đồng lúa ở nhiều nơi do nước mặn hoặc thiếu nước canh tác.
Witoon Permpongsachareon, giám đốc Nhóm Bảo vệ Môi trường Terra, cho biết: ''Trung Quốc hành động như thể là không cần quan tâm tới các quốc gia ở hạ lưu Mekong. Nước này phải nhận ra rằng sông Mekong không phải của riêng họ''.
Còn nhớ vào năm 1997, Trung Quốc đã ngăn dòng Mekong bốn ngày để xây dựng đập, gây nhiều thiệt hại cho các quốc gia ở vùng hạ lưu. Ngoài tác động về mực nước và các chu kỳ tự nhiên của sông Mekong, hồ chứa tại các đập sẽ giữ 50% trầm tích màu mỡ. Thiếu nước và phù sa sẽ làm giảm độ màu mỡ của đồng lúa dưới hạ lưu. Sản lượng lúa sẽ giảm mạnh, đặc biệt là vùng châu thổ sông Mekong (Đồng bằng sông Cửu Long) của Việt Nam. Trong khi các đồng lúa ở hạ lưu thiếu phù sa thì các đập ở Vân Nam lại bị phù sa bồi lắng. Tỷ lệ phù sa chảy vào đập Manwan đã tăng gấp đôi so với ước tính ban đầu. Đó là một trong những lý do mà Trung Quốc xây đập Xiaowan ở phía trên... Manwan để giảm lượng phù sa chảy vào.
Như vậy, trong vài thập kỷ tới, Xiaowan và các đập khác sẽ bị lấp đầy phù sa. Trung bình tuổi thọ của mỗi đập sẽ bị rút ngắn xuống còn chừng 20 năm, so với ước tính ban đầu là 70 năm. Một nghiên cứu do Uỷ ban các đập nước thế giới, được hoàn tất vào năm 2003, cho thấy: Phần lớn các đập nước lớn trên Trái đất không mang lại lợi ích kinh tế nào khi so sánh với chi phí xây dựng và tác động tiêu cực về môi trường.
Minh Sơn (Tổng hợp)
|
|
|
Post by Robot on Nov 17, 2004 12:23:04 GMT -5
Sông Mê Kông bị đe dọa vì các đập nước ở thượng nguồn
Số lượng cá heo Irrawaddy tại sông Mê Kông đang bị sụt giảm
TTO - Các nhà môi trường học cảnh báo rằng hàng động xây dựng những đập nước khổng lồ của Trung Quốc đang đe dọa đến những bãi đẻ của cá và làm ô nhiễm sông Mê Kông, dòng sông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á.
Trung Quốc dự định sẽ xây dựng 8 con đập và cho nổ mìn tất cả những vật chướng ngại với mục đích làm thông đường cho tàu thuyền đi lại.
Theo những số liệu thống kê cho thấy có đến 90% lượng nước lấy từ sông Mê Kông được dùng trong lĩnh vực nông nghiệp nuôi sống cho khoảng 75% dân cư sống tại hạ lưu con sông này.
Sông Mê Kông dài 4.000 km, chảy qua 6 nước: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên chỉ mới có 4 nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam ký hiệp định Ủy ban sông Mê Kông với mục đích hợp tác kiểm soát con sông này.
Tại Bangkok hiện đang diễn ra một hội nghị 3 ngày về vấn đề kiểm soát dòng chảy sông Mê Kông, sẽ kết thúc vào thứ năm 18-11 và Trung Quốc cho biết họ sẽ cử nhân viên đại sứ quán đến tham gia hội nghị.
KINH LUÂN (Theo AFP )
|
|
|
Post by Robot on Dec 1, 2004 11:46:04 GMT -5
Đập thuỷ điện Nam Theun 2, lợi bất cập hại?
Sau loạt bài về đập nước sông Mekong, VietNamNet đã nhận được thư của ông Gráinne Ryder, Giám đốc chính sách của Probe International - tổ chức đi đầu trong phong trào chống các dự án đập nước siêu lớn. Trong thư, ông Gráinne cho biết đã đến lúc mọi người thuyết phục Ngân hàng thế giới (WB) không tài trợ cho dự án đập Nam Theun 2 ở Lào.
Đập Nam Theun 2 nằm cách Thủ đô Vientiane của Lào 250km về phía đông nam. Cách đây 10 năm, WB đã tài trợ cho đập Pak Mun ở Thái Lan. Nhiều người vẫn nhớ đập nước siêu lớn này làm cạn kiệt nguồn cá, gây ngập lụt đất nông nghiệp và khiến hàng chục cộng đồng ở đông bắc Thái Lan lâm vào cảnh nghèo đói. WB hứa đền bù thoả đáng cho dân làng bị ảnh hưởng cũng như giúp họ tìm kế sinh nhai mới trong ngành nông nghiệp tại các ngôi làng tái định cư hiện đại. Thật ra, người dân tái định cư được cấp đất cằn cỗi và không thể dựa vào đó để sinh sống. Hậu quả là hầu hết mọi người đều phải rời bỏ các ngôi làng tái định cư để tìm việc ở nơi khác.
Là một dự án kiểu BOT, đập Nam Theun 2 cao 50m, nằm trên Nam Theun, nhánh sông lớn thứ tư của sông Mekong. Đây sẽ là dự án thuỷ điện lớn nhất và gây tranh cãi nhiều nhất ở Lào. Nam Theun 2 nằm cách đập Nam Theun-Hinboun 50km về phía thượng nguồn. Nếu được tiến hành, 40% cao nguyên Nakai - khu vực có mức đa dạng sinh học rất cao - sẽ bị ngập. Đập nước sẽ làm giảm các trận lụt theo mùa - yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự sinh sản của cá và nhiều loài thuỷ sinh khác.
Mạng lưới sông quốc tế (IRN) đã giám sát Nam Theun 2 trong 8 năm qua và đang nỗ lực gây áp lực với WB và các nhà tài trợ khác ngừng cấp kinh phí cho dự án.
Công ty điện lực Nam Theun 2 do tập đoàn Electricité de France đứng đầu đã ký một thoả thuận vào tháng 11 năm ngoái để bán điện của đập này cho Cục điện lực Thái Lan (EGAT). Theo thoả thuận kéo dài 25 năm với tổng doanh thu lên tới 6 tỷ đôla, từ năm 2010 EGAT sẽ mua 995 megawat với giá trung bình 4,15 đôla cho mỗi kilowat-giờ.
Electricité de France sở hữu 35% cổ phần trong Công ty điện lực Nam Theun 2. Ngoài ra, các cổ đông khác là Power Generating Company (25%) - một công ty con của EGAT, Công ty xây dựng Ital-Thai Development(15%) và Công ty điện quốc gia Lào (25%).
Nếu WB quyết định hỗ trợ dự án Nam Theun 2, Công ty điện Nam Theun 2 sẽ huy động 270 triệu đôla từ các cơ quan tín dụng phương Tây, 375 triệu đôla từ các ngân hàng thương mại Thái Lan và 107 triệu đô la từ các ngân hàng ở các nước phát triển. Ngoài ra, công ty cũng hy vọng được tài trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Những người ở lại, chủ yếu là người già, đã phản đối sự đối xử trên. Với sự giúp đỡ của Tổ chức Điều tra quốc tế và nhiều nhóm khác trên thế giới, cuối cùng họ đã nhận được một khoản tiền nhỏ bù đắp cho thu nhập bị mất từ nghề cá. Các cuộc phản đối của họ cũng buộc Chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ ngừng xây dựng các đập nước: làm ngập lụt đất đai của người dân là việc làm tốn kém, cả về mặt tài chính lẫn chính trị. Cho tới nay, Chính phủ Thái Lan vẫn giữa lời hứa đó.
|
|
|
Post by Robot on Dec 1, 2004 11:46:32 GMT -5
Tuy nhiên, WB vẫn chưa rút ra được bài học cho mình từ sự kiện đập Pak Mun. Lần này, WB dự định tài trợ cho dự án đập thuỷ điện Nam Theun 2 ở Lào với kinh phí 1,1 tỷ đôla. Nếu được xây dựng, đập thuỷ điện sẽ ảnh hưởng lớn tới các cộng đồng cao nguyên ở Lào, gây hậu quả nghiêm trọng hơn về môi trường. Để biện hộ cho dự án thuỷ điện do Pháp đứng đầu này, WB đã không tiếc tiền thuê hẳn một đội ngũ tư vấn lập kế hoạch dự án.
Tổ chức Điều tra Quốc tế đã xem xét các kế hoạch của dự án và kết luận: đập Nam Theun 2 sẽ lại là một thảm hoạ nữa. 6.000 người sẽ phải chuyển tới sống ở vùng đất mà chính các nhà tư vấn của WB nói là không phù hợp cho canh tác. Con đường di cư của các loài cá tại sông Xe Bang Fai, một nhánh lớn thuộc hệ thống Mekong, sẽ bị xáo trộn do nước từ hồ chứa được dẫn vào con sông này và sản lượng cá đánh bắt có thể sẽ giảm tới 90%. Hai bên bờ sông có thể bị xói mòn nghiêm trọng do mực nước tăng.
Theo tính toán của WB, trên 40.000 người có thể mất thu nhập và an ninh lương thực. Các nhà nghiên cứu độc lập thì lại cho rằng con số này có thể lên tới 100.000 người. Trong số các địa điểm tiềm năng xây dựng đập ở Lào, đập Nam Theun 2 sẽ gây ngập lụt nhiều đất nhất - hơn 600 km2 đất đồng cỏ và đất rừng, nơi người dân bản địa kiếm kế sinh nhai.
WB cả quyết rằng, không giống như những thất bại trước đây, cuộc sống của người dân sau khi xây đập Nam Theun 2 sẽ tốt đẹp hơn. Các dự án tưới tiêu, vườn ươm, chăn nuôi gia súc, khai thác gỗ và phát triển nghề cá trong khu vực hồ chứa sẽ nâng mức thu nhập của người dân lên 3 lần trong vòng 8 năm. Tuy nhiên, trong khi dân làng chờ đợi nguồn thu nhập mới, họ không nhận được bất cứ khoản tiền bồi thường trực tiếp nào. Thực ra, trên 50% nguồn thu của đập thuỷ điện sẽ được trả cho các nhà đầu tư Pháp và Thái Lan. Thậm chí nhiều người trong WB cũng thừa nhận dự án nói trên là một thất bại. Một bản báo cáo nói: ''Nếu không giảm nhẹ các tác động tiêu cực, lợi ích mà dự án mang lại có thể sẽ không đủ sức hấp dẫn''.
Trong tháng 12 tới, WB sẽ đưa ra quyết định chính thức về việc có nên tài trợ cho đập Nam Theun 2 ở Lào hay không. Chúng tôi và cả người dân ở Pak Mun phản đối đập nước này. Vẫn còn thời gian để ngăn WB. Nếu các bạn muốn giúp đỡ, hãy viết thư cho ông Marcel Masse, Giám đốc điều hành WB Canada, để bày tỏ quan điểm. Địa chỉ: mmasse@worldbank.org hoặc Mr. Marcel Masse, 1818 H Street N.W., Washington DC 20433. Và nếu có thể, các bạn hãy tài trợ cho chúng tôi trong nỗ lực kêu gọi WB không nên lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
Minh Sơn (Trích thư ông Gráinne Ryder và các nguồn khác)
|
|
|
Post by Robot on Dec 30, 2004 10:43:16 GMT -5
Đoàn thanh niên Mekong đến VN:
Mekong - dòng sông tuổi trẻ
Bạn trẻ các nước tham gia chương trình trên dòng sông Tiền (tỉnh Tiền Giang) ngày 22-12-2004 - Ảnh: K.Anh
TT - Chương trình hữu nghị thanh niên Mekong đã liên kết những người trẻ của các nước chung dòng Mekong (Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào, VN) để đưa thông điệp “hãy sử dụng nguồn nước hợp lý” đến mọi người.
Họ vừa đến Tiền Giang, nơi cuối nguồn của dòng sông để ra biển lớn, thưởng thức cây trái và hiểu được tầm quan trọng của một dòng sông chung. Đoàn cũng đang có mặt tại TP.HCM cùng giao lưu với thanh niên TP.
Thông điệp từ dòng sông mẹ
Lùa tay dưới dòng nước mát nặng phù sa sông Tiền, anh Wang Xuefeng (Trung Quốc) ồ lên: “Thật thú vị, tôi là người sống ở đầu nguồn con sông Mekong mà hôm nay lại được đi trên dòng nước cuối nguồn của con sông này”, rồi nói thêm: “Con người của các nước chúng ta với dòng Mekong như cá với nước. Chúng ta là cá thì bảo vệ dòng Mekong chính là bảo vệ môi trường sống của chúng ta đấy”.
Và ngày 11-12-2004 hội thảo được tổ chức tại Thái Lan mở đầu cho chương trình hữu nghị thanh niên Mekong, nhiều ý kiến của đại biểu các nước đưa ra khi nhận thấy thực trạng khai thác không hợp lý dẫn đến hạn hán, xói mòn hoặc lũ lụt nhiều hơn.
Bà Daruni Thepchalerm (Thái Lan) đại diện ban tổ chức cho biết: “Điều bức thiết phải bảo vệ dòng sông của chúng ta đã khiến Thái Lan và Trung Quốc khởi xướng chương trình hữu nghị thanh niên này. Chương trình nhằm tuyên truyền cho giới trẻ hiểu về tầm quan trọng của con sông mà chia sẻ với nhau cách bảo vệ và khai thác hợp lý của mỗi quốc gia. Những người trẻ hôm nay sau khi về nước sẽ là những người lãnh đạo thanh niên cùng bảo vệ con sông”.
Với người dân của đất nước Lào thì dòng Mekong được họ cảm nhận như dòng máu chảy trong cơ thể mình như bạn Phouvong Kittavong (Lào) nhấn mạnh: “Dòng Mekong như dòng sông mẹ của đất nước chúng tôi. Chúng tôi có nhiều rừng và đồi núi, chỉ có dòng sông mẹ là nguồn cung cấp thủy sản và nước uống cho người dân, đem nước tưới cây cối để chúng tôi có gạo có bắp... mà sống đấy”.
Campuchia còn có hẳn bộ luật bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh không được sử dụng nguồn nước bất hợp lý. Trong dòng Mekong đi qua Lào và Campuchia vẫn còn có cá heo nước ngọt, do vậy ở cả hai nước đều có khu bảo tồn loài cá đặc biệt này.
“Các loài cá khác trên sông Mekong cũng rất nhiều, đặc biệt ở vùng Biển Hồ của chúng tôi, nơi nhiều người sống bằng nghề đánh bắt cá. Luật pháp cấm người dân khai thác cá vào mùa sinh sản, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng” - bạn Hor Samnang 24 tuổi, người Campuchia, cho biết.
Những người trẻ chung một tấm lòng
Bạn NungNing 22 tuổi, đại biểu Thái Lan, học về ngành truyền thông tại Đại học Ramkhanhaeng nên rất ủng hộ việc phải có nhiều cách tuyên truyền đến mọi người dân cùng bảo vệ môi trường trong đó có dòng Mekong.
NungNing đang bập bẹ học tiếng Việt đã chia sẻ nỗi bức xúc của mình bằng hai thứ tiếng Anh và Việt: “Ở quê tôi thanh niên tham gia tuyên truyền về môi trường bằng cách lập những nhóm bốn hoặc tám người trong trường học đi tuyên truyền cho bạn bè và gia đình, ra cả đường phố để thông tin đến nhiều người dân nữa”.
Các bạn thanh niên ở Campuchia cũng thế, ngoài ra các bạn trẻ nơi đây còn chú ý phát hiện những nhà máy đổ chất thải hoặc bất kỳ ai bỏ rác xuống sông để báo cho ngành chức năng.
Đến VN, dòng Mekong mang tên Cửu Long chia làm hai nhánh sông Tiền và sông Hậu bồi phù sa cho vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho những vườn cây trái trĩu quả quanh năm. Các bạn trẻ ở Tiền Giang đã có những hoạt động gắn liền với việc bảo vệ dòng sông ấy.
“Trên các tuyến sông lớn, thanh niên đã vận động người dân trồng cây xanh hai bên bờ và cam kết không xả rác, vứt súc vật chết xuống sông. Với các hộ dân sống trên kênh rạch, các bạn đã đến từng hộ vận động làm nhà vệ sinh hợp lý. Ngoài ra còn có những công trình thanh niên như khai thông kênh nội đồng, đảm bảo môi trường cho dòng chảy” - anh Phạm Đăng Hiếu, phó bí thư Tỉnh đoàn Tiền Giang, cho biết.
Mekong, dòng nước chung của các quốc gia, đã và đang là xâu chuỗi tình bạn giữa những người trẻ trong khu vực. Đến Tiền Giang, đoàn đã đi tham quan dòng sông Tiền, thưởng thức trái cây, đờn ca tài tử trên cồn Thới Sơn, giao lưu với thanh niên và sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh qua những trò chơi vui nhộn.
Và Wang Xuefeng (Trung Quốc) - một thủ lĩnh thanh niên - đã mời gọi các đại biểu tham gia chương trình bằng cả trái tim trẻ của mình: “Hãy bắt đầu từ hôm nay làm dòng sông Mekong sạch hơn”.
KIM ANH
Chương trình hữu nghị thanh niên Mekong
Chung một dòng sông, chung một tấm lòng
Gồm 51 đại biểu đến từ năm quốc gia tiểu vùng sông Mekong (VN, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan).
Tại mỗi nước, đoàn giao lưu, trao đổi với các bạn trẻ về vấn đề tăng cường giáo dục giới trẻ, về tầm quan trọng của việc khai thác và bảo vệ môi trường sông Mekong.
Đây là hoạt động đa phương do Trung Quốc và Thái Lan khởi xướng, tài trợ và đây là lần thứ tư chương trình được tổ chức.
Trong hai ngày 22 và 23-12-2004, đoàn đã tham quan sông Tiền và giao lưu với sinh viên Trường cao đẳng Cộng đồng tỉnh Tiền Giang, sinh viên Đại học Mở - bán công và thanh niên TP.HCM, tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Lãnh đạo TP.HCM đã tiếp và chiêu đãi đoàn.
Hôm nay 24-12-2004, đoàn sẽ bước vào nội dung homestay (ở tại các gia đình tại TP.HCM) để tìm hiểu thêm nét văn hóa truyền thống của VN. Chương trình hữu nghị thanh niên Mekong bắt đầu từ 11-12-2004 (tại Thái Lan) và hoàn tất ngày 25-12-2004 tại VN.
|
|